Chính phủ cấm giao bài tập về nhà ở lớp 1-3, khiến nhiều học sinh và phụ huynh vui mừng, song không người ít lo ngại các em sẽ chểnh mảng việc học.
Ola Kozak, 11 tuổi, yêu âm nhạc và hội họa. Em có thể dành nhiều thời gian hơn cho những sở thích này, khi chính phủ yêu cầu hạn chế bài tập về nhà cho học sinh tiểu học và THCS, từ tháng 4/2024.
“Em vui lắm”, cô bé lớp 5 nói, khoe bức tường màu tím phủ kín hình vẽ trong phòng. Nữ sinh cho rằng bài tập về nhà chẳng có ý nghĩa gì vì hầu hết bạn chép bài của nhau hoặc chép lời giải trên mạng.
Pawel Kozak, bố của Ola, đồng tình, coi đây là cách để học sinh yêu mến trường học hơn.
Luật giảm bài tập về nhà được thúc đẩy từ cuộc tranh cử Quốc hội năm ngoái ở Ba Lan. Maciek Matuszewski, một cậu bé 14 tuổi, phát biểu rằng trẻ em “không có thời gian nghỉ ngơi”, trong buổi vận động tranh cử của ông Tusk – tổng thống hiện tại. Theo em, quá nhiều bài tập vào cuối tuần và các bài kiểm tra dồn dập vào thứ hai là vi phạm quyền trẻ em.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng giáo dục Ba Lan đang nặng về học vẹt và giao bài tập về nhà, chưa chú trọng tư duy phản biện và sự sáng tạo.
Luật cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1-3, hạn chế và không tính điểm bài tập về nhà với học sinh lớp 4-8. Ở cấp THPT, việc giao bài tập về nhà vẫn được duy trì, nhưng có thể bị loại bỏ sau vài năm tới.
Bộ trưởng Giáo dục Barbara Nowacka, người quan tâm đến các nghiên cứu tâm lý của trẻ, nói rằng áp lực bài tập về nhà là “áp lực có thể được giải quyết nhanh nhất”.
Tuy vậy, không phải ai cũng hài lòng với sự thay đổi này, trong đó có mẹ của Ola. Theo cô, bài tập về nhà giúp học sinh củng cố kiến thức, còn phụ huynh có thể theo sát tình hình học tập ở trường của con. Còn theo các chuyên gia, việc này có thể tạo thói quen học tập và phát triển các khái niệm học thuật.
Những năm qua, giáo dục Ba Lan đã có nhiều cuộc cải tổ gây tranh cãi, khiến giáo viên và phụ huynh chán nản, bối rối. Sławomir Broniarz, người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Ba Lan, hiểu việc giảm bớt áp lực cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng quy định mới là áp đặt từ trên xuống mà không có sự tham vấn đầy đủ với các nhà giáo dục.
“Nhìn chung, các giáo viên thấy việc này diễn ra quá gấp gáp”, ông nói.
Theo ông Sławomir, bỏ bài tập về nhà có thể tăng khoảng cách giáo dục giữa học sinh có điều kiện tốt và học sinh nghèo. Vì vậy, ông kêu gọi thay đổi toàn diện hơn chương trình giảng dạy.
Pasi Sahlberg, chuyên gia giáo dục Phần Lan, cho rằng trẻ em nên hiểu rằng để thành thạo một việc gì đó, thông thường, các em cần luyện tập rất nhiều. Giá trị của bài tập về nhà phụ thuộc vào việc nó được định nghĩa thế nào và liên quan gì đến việc học nói chung.
“Để hiểu điều gì là tốt nhất cho con trẻ, chúng ta cần tin tưởng các giáo viên”, ông nói.
Hiện một số nước có chủ trương giảm bài tập về nhà ở bậc học thấp. Ở Mỹ, giáo viên và phụ huynh là người quyết định lượng bài tập về nhà với trẻ. Một số trường tiểu học bỏ hoàn toàn bài tập về nhà để học sinh có thêm thời gian chơi, hoạt động ngoại khóa hay dành thời gian bên gia đình. Theo hướng dẫn của các hiệp hội giáo viên Mỹ, học sinh lớp 1 nên dành 10 phút làm bài tập, học sinh lớp 2 nên làm trong 20 phút, cứ như vậy tăng lên theo lớp học.
Hàn Quốc cũng giảm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học từ năm 2017. Song, thực tế, các em thường phải học đến đêm, ở nhà hoặc ở các trung tâm dạy thêm, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của trường, cũng như đỗ đại học.