Dù chưa bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng thí sinh đang trong giai đoạn lựa chọn ngành nghề khi tham gia xét tuyển sớm. Xung quanh việc này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), có những lưu ý quan trọng với thí sinh.
Chú ý quy trình, thủ tục, thời hạn nộp hồ sơ
Hiện các trường ĐH đang đồng loạt nhận hồ sơ xét tuyển sớm, thí sinh (TS) cần lưu ý gì khi tham gia xét tuyển giai đoạn này, thưa bà?
Các phương thức xét tuyển sớm thực chất là mở rộng cơ hội trúng tuyển cho TS, thêm lựa chọn ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Có thể nói, xét tuyển sớm là cơ hội rất tốt cho các TS. Nhưng các em cần lưu ý bám sát hướng dẫn trong đề án tuyển sinh các trường đã công bố trên cổng thông tin điện tử, đặc biệt chú ý quy trình, thủ tục, thời hạn nộp hồ sơ các phương thức vì mỗi trường, ở mỗi phương thức có những quy định riêng. Có những trường kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển sớm cuối tháng 4 đầu tháng 5, sau thời gian trên TS không còn cơ hội xét tuyển sớm vào các trường này.
Nhiều trường ĐH đã thông báo mức điểm trúng tuyển có điều kiện (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT), điều này được hiểu thế nào theo quy chế tuyển sinh năm nay của Bộ GD-ĐT?
Có một điểm TS tham gia xét tuyển sớm cần đặc biệt lưu ý là dù được thông báo trúng tuyển có điều kiện thì vẫn được coi là chưa trúng tuyển chính thức. Bởi ở thời điểm này các em chưa thi và chưa được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngay cả sau khi được công nhận tốt nghiệp, TS vẫn phải đăng ký nguyện vọng trúng tuyển sớm lên cổng hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, hoàn tất các bước nộp lệ phí và xác nhận nhập học. Đây là các bước quan trọng để ghi nhận nguyện vọng xét tuyển của các em có hiệu lực, có giá trị.
Ở thời điểm này, nếu đã chắc chắn yêu thích nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện, TS chỉ cần đặt ở nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển. Nếu vẫn còn mong muốn, ước mơ khác nữa thì có thể lựa chọn thêm các ngành, các trường mình chưa tham gia xét tuyển sớm, đặt lên các nguyện vọng đầu để gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Chọn ngành cho thị trường lao động tương lai
TS đang trong giai đoạn quan trọng quyết định ngành học. Theo bà, những ngành nghề nào sẽ phù hợp với thị trường lao động tương lai?
Để chọn các ngành ứng tuyển phù hợp với thị trường lao động trong tương lai, lĩnh vực đầu tiên chính là STEM – khoa học công nghệ và toán. Đấy chính là nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế – xã hội trong tương lai. Với sự đầu tư nhân lực ngay từ bây giờ, chúng ta mới có thể đón đầu và bắt kịp tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thế giới. Sinh viên đang học các ngành này hiện nay tương đối hạn chế, đây sẽ là cơ hội dành cho các TS yêu thích về khoa học công nghệ và toán.
Ngoài ra, với công cuộc chuyển đổi số, xu hướng của nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, năng lượng xanh… thì những yếu tố liên ngành trong phát triển tương lai được đặc biệt nhấn mạnh. Các bạn có thể học một ngành này nhưng ứng dụng rất tốt ở ngành khác. Ví dụ ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính hiện không chỉ ứng dụng khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ mà cả trong khoa học xã hội. Với những ngành có nền tảng rộng và cơ hội phát triển rộng như vậy chúng ta cũng nên cân nhắc lựa chọn.
TS cần lưu ý thêm, sự lựa chọn ngành học hiện nay là phục vụ cho thị trường lao động tương lai chứ không phải hiện tại. Vì tốc độ thay đổi ngành nghề, sự phát triển khoa học công nghệ sẽ dẫn tới những ngành nghề mới, công cụ mới, kỹ năng kiến thức mới mà chúng ta cần có nền tảng vững để tự học suốt đời để tiếp cận sự thay đổi nhanh chóng như vậy.
Thống kê kết quả tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong các năm gần đây, một số lĩnh vực khó tuyển sinh lại có tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm cao nhất, bà có lời khuyên gì với TS về các ngành này?
Với một số ngành truyền thống, các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp hiện khó tuyển sinh nhưng thực chất đều là những ngành đặc biệt cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính phủ luôn có những chính sách để khuyến khích TS tham gia ứng tuyển vào các ngành này để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Nhưng vì số lượng TS tham gia xét tuyển vào các ngành này không nhiều, nên lợi thế với người học là mức độ cạnh tranh trong xét tuyển đầu vào không lớn trong khi cơ hội việc làm lại rất nhiều trong tương lai. Đây là những ngành rất cần người giỏi, nếu yêu thích và đi sâu vào các ngành này, các bạn có thể trở thành những người rất “hot” trên thị trường lao động. Một số trường ĐH hiện cấp các học bổng giá trị, các doanh nghiệp chờ sẵn sinh viên ra trường để tuyển dụng.
Trường ĐH lưu ý gì về mở ngành đào tạo?
Nhiều trường ĐH tự chủ mở ngành ồ ạt nhưng tuyển sinh không được, Bộ GD-ĐT có khuyến cáo gì về việc mở ngành thời gian tới?
Liên quan đến việc mở ngành đào tạo, các quy định của Bộ GD-ĐT đều nhấn mạnh việc mở ngành phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Trong đó, việc điều tra xã hội học, điều tra về nhu cầu nguồn nhân lực ở các ngành nghề cụ thể là căn cứ quan trọng để mở ngành. Tuy nhiên, có những ngành khi mở ra ở trường này thì tuyển sinh tốt nhưng ở trường khác lại chưa tuyển sinh như mong muốn. Trong thực tiễn có những ngành không tuyển sinh được tốt nguyên nhân có thể do vị trí địa lý, uy tín chất lượng của trường chưa đủ sức thuyết phục với người học.
Thời gian tới, các trường cần lưu ý cân nhắc khi mở ra các ngành đào tạo mới. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi mở ngành đào tạo mới các trường còn phải lưu ý đáp ứng quy định tại Thông tư 01/2024 về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Đáp ứng các điều kiện cần thiết mới mở ngành, khi đó vừa mang lại lợi ích cho các trường, cho xã hội vừa phục vụ lợi ích của người học. Người học cầm tấm bằng tốt nghiệp của các trường có thể tìm được vị trí việc làm phù hợp với kỹ năng, kiến thức được trang bị ở trình độ ĐH.